KIỂM SOÁT ĐẠO ĐỨC NGHỀ NGHIỆP KIỂM TOÁN ĐỘC LẬP Ở MỸ VÀ PHÁP-BÀI HỌC KINH NGHIỆM ĐỐI VỚI VIỆT NAM TRONG XU THẾ HỘI NHẬP PHÁT TRIỂN
(Tạp chí Kiểm toán, số 11/2010)
NCS.ThS Phan Thanh Hải
Phó trưởng khoa Kế toán
Đại học Duy Tân Đà Nẵng
184 Nguyễn Văn Linh-Hải Châu-Đà Nẵng
Trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ của mình để đảm bảo vai trò tạo niềm tin cho công chúng đối với các kết quả kiểm toán, kiểm toán viên (KTV) phải luôn luôn tuân thủ các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp. Nói một cách khác đó là nếu như các KTV tuân thủ chặt chẽ các hướng dẫn và quy định liên quan đến đạo đức nghề nghiệp trong một cuộc kiểm toán thì rõ ràng kết quả kiểm toán sẽ ngày càng được những người quan tâm tin tưởng và kỳ vọng. Chính vấn đề này cũng đặt ra cho các nhà quản lý và điều hành hoạt động kiểm toán đặc biệt là kiểm toán độc lập đó là làm sao phải thiết kế được một cơ cấu tổ chức hoàn chỉnh, phải đặt ra những biện pháp nhằm tăng cường giám sát việc tuân thủ đạo đức nghề nghiệp của các KTV trong quá trình hành nghề.
Nội dung của bài viết này sẽ giúp người đọc hiểu kỹ hơn về bản chất của vấn đề đạo đức nghề nghiệp kiểm toán; tìm hiểu khái quát cơ cấu tổ chức và công cụ kiểm soát đạo đức nghề nghiệp tại hai quốc gia có nền kiểm toán phát triển là Mỹ và Pháp; trên cơ sở đó phân tích những mặt ưu điểm, hạn chế của công tác Kiểm soát đạo đức nghề nghiệp kiểm toán tại Việt Nam trong những năm vừa qua và rút ra một số các kinh nghiệm, giải pháp khắc phục để nâng cao chất lượng của công tác này trong bối cảnh hội nhập và phát triển.
1. Bản chất và sự cần thiết phải có đạo đức nghề nghiệp trong công tác kiểm toán
Trong tất cả các ngành nghề nói chung, để có thể thực hiện công việc với chất lượng cao, tuân thủ pháp luật và phục vụ tốt nhất cho lợi ích của xã hội, các cơ quan chức năng, luật pháp hay hội nghề nghiệp đều phải thiết lập các quy định cho người hành nghề.
Kiểm toán là một nghề nghiệp mang tính chuyên nghiệp rất cao và được sự kỳ vọng của nhiều đối tượng quan tâm khác nhau trong xã hội, chính vì vậy càng cần phải chịu sự chi phối bởi các quy định có liên quan, trong đó có quy định về đạo đức nghề nghiệp.
Đạo đức nghề nghiệp đó chính là những quy tắc để hướng dẫn cho các thành viên ứng xử và hoạt động một cách trung thực, phục vụ cho lợi ích chung của nghề nghiệp và xã hội. (1)
Đạo đức nghề nghiệp yêu cầu mỗi KTV phải là những người có đạo đức, và mỗi tổ chức công ty kiểm toán đều phải là cộng đồng của những người có đạo đức. Vì thế, điều lệ đạo đức nghề nghiệp phải được xác định rõ ràng, công bố và trở thành yêu cầu bắt buộc trong nghề kiểm toán, để một mặt sẽ giúp quản lý và giám sát chặt chẽ mọi KTV; mặt khác sẽ giúp cho công chúng hiểu biết về “chúng”, để qua đó có quyền đòi hỏi và đánh giá về các hành vi đạo đức của KTV trong quá trình tác nghiệp.
Nói cách khác, bên cạnh luật pháp và cùng với luật pháp, chính việc tuân thủ đạo đức nghề nghiệp sẽ giúp cho các KTV luôn duy trì được một thái độ nghề nghiệp đúng đắn, giúp bảo vệ và nâng cao uy tín cho nghề kiểm toán trong xã hội, bởi vì nó tạo nên sự đảm bảo về chất lượng cao của dịch vụ cung cấp cho khách hàng.
2. Kiểm soát đạo đức của KTV tại Mỹ và Pháp
Quá trình phát triển của kiểm toán độc lập trên thế giới từ trước cho đến nay đều cho thấy vị thế dẫn đầu của các nước phát triển như Mỹ và Tây Âu. Những nước này đã có những khởi đầu từ lâu và có những định hướng và chính sách đúng đắn, chặt chẽ để kiểm soát chất lượng kiểm toán nói chung và kiểm soát đạo đức nghề nghiệp kiểm toán của các KTV trong quá trình hành nghề nói riêng.
Dưới góc độ suy nghĩ của mình, tác giả bài viết mạnh dạn trình bày thực tiễn của công tác Kiểm soát đạo đức nghề nghiệp kiểm toán ở Mỹ và Pháp với 2 vấn đề đó là : bộ máy kiểm soát và công cụ kiểm soát.
2.1. Kiểm soát đạo đức nghề nghiệp kiểm toán tại Mỹ
Hoạt động kiểm toán độc lập của Mỹ đã hình thành từ thế kỷ 19 từ sự phát triển của các công ty cổ phần. Thế nhưng, mãi đến năm 1933, với sự ra đời của Luật chứng khoán liên bang, chính phủ Mỹ mới đưa ra yêu cầu bắt buộc là các Báo cáo tài chính (BCTC) của các công ty cổ phần niêm yết phải được kiểm toán. Đặc biệt là vào năm 1934, Luật giao dịch chứng khoán đã ra đời và đã có quy định về tính độc lập của các KTV khi kiểm toán BCTC.
Thực tiễn về cơ cấu tổ chức và công cụ kiểm soát đạo đức nghề nghiệp kiểm toán ở Mỹ được trình bày qua một số nét chính như sau :
* Cơ cấu tổ chức ban hành các chuẩn mực và thực hiện kiểm soát chất lượng kiểm toán, đạo đức nghề nghiệp kiểm toán
Hiện tại, chính phủ Mỹ tổ chức một cơ cấu gồm nhiều ủy ban thực hiện chức năng ban hành và kiểm soát việc tuân thủ các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kiểm toán như sau :
1. Ủy ban đạo đức nghề nghiệp (PEEC – Professional Ethics Executive Committe) :
- Ủy ban này trực thuộc Hiệp hội Kế toán công chứng Hoa Kỳ (AICPA : American Insitute of Certified Public Accountants);
- Ủy ban này chịu trách nhiệm thiết lập các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, giải thích và hướng dẫn chuẩn mực đạo đức ban hành; chịu trách nhiệm nghiên cứu các tình huống trong thực tế và đề nghị những thay đổi cần thiết;
- Ủy ban có một tiểu ban phụ trách kỷ luật chịu trách nhiệm điều tra về bất cứ tình huống nào vi phạm đến đạo đức của KTV.
2. Ủy ban chuẩn mực độc lập (ISB –Independence Standards Board)
- Ủy ban này ra đời 01/09/1999 qua sự thương thảo giữa AICPA và Ủy ban chứng khoán (SEC-Securities and Exchange Commission);
- ISB hoạt động độc lập và được tài trợ bởi AICPA và SECPS (Bộ phận phụ trách kiểm toán của SEC) ;
- Ủy ban này có nhiệm vụ thiết lập các chuẩn mực độc lập có thể áp dụng được đối với các cuộc kiểm toán cho các công ty niêm yết nhằm phục vụ cho lợi ích của công chúng;
- Ủy ban này chịu trách nhiệm nghiên cứu các nguyên tắc, chuẩn mực của SEC còn SEC sẽ nghiên cứu các chuẩn mực, nguyên tắc của ISB để hoàn thiện chuẩn mực về tính độc lập.
3. Ủy ban giám sát hoạt động kiểm toán các công ty niêm yết (PCAOB-Public company accounting oversight board)
- Tiền thân của ủy ban này đó là Ủy ban giám sát (POB-Public Oversight Board) do AICPA và SEC thành lập 17/09/1977. Đến 31/12/2002 khi có đạo luật Sarbanes-Oxley thì POB được giải thể và thay thế bằng PCAOB;
- Ủy ban này chịu trách nhiệm kiểm tra các công ty kiểm toán cho các công ty niêm yết;
- Hoạt động của PCAOB hoàn toàn độc lập và là một cấp độ kiểm soát chéo đối với hoạt động kiểm tra chất lượng các công ty kiểm toán được thực hiện bởi Hội nghề nghiệp.
4.Ủy ban kiểm tra chéo (AICPA’s Peer Review Board)
- Từ năm 1977, AICPA chính thức yêu cầu phải có kiểm tra chéo giữa các công ty kiểm toán. Các công ty được tự chọn các công ty kiểm toán khác để kiểm tra cho công ty mình với định kỳ 3 năm/lần. Đây là quy định bắt buộc của AICPA và được giám sát bởi một ủy ban kiểm tra chéo;
- Mục đích của việc kiểm tra chéo là để bảo đảm các công ty kiểm toán cung cấp dịch vụ kiểm toán và dịch vụ kế toán cho các công ty niêm yết phải có HTKSCLKT hữu hiệu.
5.Ủy ban điều tra chất lượng (QCIC-Quality control inquiry committee)
- QCIC thành lập năm 1979 nhằm điều tra các cuộc kiểm toán được cho là không tuân thủ đầy đủ các chuẩn mực chuyên môn;
- Ủy ban này phải có địa vị pháp lý cao hơn SECPS và sẽ tiến hành cuộc điều tra kéo dài từ 5-6 tháng;
- Khi có kết quả nếu phát hiện ra sai phạm của công ty kiểm toán là có hệ thống, ủy ban này yêu cầu buộc công ty phải điều chỉnh lại. Còn nếu quá trình điều tra phát hiện có sai phạm liên quan đến đạo đức nghề nghiệp thì QCIC sẽ chuyển hồ sơ sang cho PEEC xem xét.
* Công cụ kiểm soát đạo đức nghề nghiệp kiểm toán tại Mỹ :
Công cụ kiểm soát đạo đức nghề nghiệp kiểm toán tại Mỹ được thể hiện dưới hai dạng đó là chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và các đạo luật. Cụ thể :
+ Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp đã được ủy ban đạo đức nghề nghiệp (PEEC) trực thuộc AICPA ban hành ngày 12/01/1988. Nội dung của chuẩn mực này bao gồm 7 nguyên tắc đó là
· Nguyên tắc 1 : Các nguyên tắc chung về đạo đức nghề nghiệp
· Nguyên tắc 2 : Tuân thủ quy tắc đạo đức và định nghĩa
· Nguyên tắc 3 : Độc lập, chính trực và khách quan
· Nguyên tắc 4 : Tuân thủ nguyên tắc kế toán
· Nguyên tắc 5 : Trách nhiệm đối với khách hàng
· Nguyên tắc 6 : Trách nhiệm đối với đồng nghiệp
· Nguyên tắc 7 : Các trách nhiệm khác
+ Ngoài những quy định trong chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp còn có các đạo luật trong đó các quy định chủ yếu tập trung vào tính độc lập của KTV. Các đạo luật này ở Mỹ bao gồm :
· Luật chứng khoán (1933)
· Luật giao dịch chứng khoán (1934)
· Luật về các công ty kinh doanh lĩnh vực công cộng (1950)
· Luật về công ty đầu tư (1940)
· Luật về tư vấn đầu tư (1940)
Đặc biệt là đạo luật Sarbanes-Oxley được quốc hội Mỹ phê chuẩn ngày 30/07/2002 đã tạo ra ảnh hưởng to lớn đến nghề kiểm toán mà đặc biệt là vấn đề kiểm soát đạo đức của KTV trong quá trình hành nghề. Trong 11 chương của đạo luật thì chương 2 của ‘nó” dành để đưa ra các quy định liên quan đến tính độc lập của KTV. Trong đó có quy định cụ thể một số vấn đề như :
Các công ty kiểm toán không được cung cấp dịch vụ phi kiểm toán như giữ sổ, thiết kế hệ thống kế toán, kiểm toán nội bộ, quản trị nhân sự, môi giới chứng khoán…(điều 201); trưởng nhóm kiểm toán, các chủ nhiệm phần hùn phải được xoay vòng sau 5 năm (điều 203); sẽ là phạm luật đối với công ty kiểm toán nếu KTV tiến hành kiểm toán cho công ty khách hàng khi mà những năm trước đó họ đã là giám đốc điều hành, giám đốc tài chính, trưởng ban kiểm soát, kế toán trưởng hay những người có chức vụ tương đương (điều 206)…
Thực tế cho thấy 2 công cụ để kiểm soát đạo đức nghề nghiệp này ở Mỹ không hề mâu thuẫn nhau. Tuy vậy nội dung của Luật Sarbanes-Oxley có khác biệt so với các quy định trong chuẩn mực đạo đức đó là đạo luật chỉ tập trung vào mỗi tính độc lập của KTV trong quá trình kiểm toán, các quy định trong luật rất chặt chẽ và được ban hành dưới dạng các điều cấm và những điều mà KTV cần phải tuân thủ để thực hiện tính độc lập của mình.
2.2. Kiểm soát đạo đức nghề nghiệp kiểm toán tại Pháp
Hoạt động kiểm toán độc lập của Pháp hình thành từ sự ra đời của Luật thương mại (1863) và Luật công ty (1867). Thế nhưng, mãi đến ngày 08/08/1935 nghề kiểm toán mới bắt đầu phát triển khi Luật công ty bổ sung những quy định làm nền tảng cho việc tổ chức nghề nghiệp kiểm toán trong đó có những quy định liên quan đến đạo đức nghề nghiệp.
Thực tiễn về cơ cấu tổ chức và công cụ kiểm soát đạo đức nghề nghiệp kiểm toán ở Pháp được trình bày qua một số nét chính như sau :
* Cơ cấu tổ chức ban hành các chuẩn mực và thực hiện kiểm soát chất lượng kiểm toán, đạo đức nghề nghiệp kiểm toán
Hiện tại, chính phủ Pháp cũng giống như Mỹ đã tổ chức một cơ cấu gồm nhiều ủy ban thực hiện chức năng ban hành và kiểm soát việc tuân thủ các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kiểm toán như sau :
1. Liên đoàn quốc gia các chuyên viên kế toán (CNCC)
- CNCC được thành lập năm 1969 với mục đích giúp cho nghề nghiệp kiểm toán phát triển tốt nhất, giám sát hoạt động kiểm toán, cũng như để bảo vệ uy tín và độc lập của các thành viên
- Trách nhiệm của CNCC là tham gia soạn thảo các chuẩn mực kiểm toán, đạo đức nghề nghiệp, tham giá giải quyết các vấn đề kế toán, hoạch định phương hướng phát triển của nghề nghiệp
2. Hội đồng kiểm toán cấp cao (Haut conseil du commissaire aux comptes)
- Hội đồng kiểm toán cấp cao là một thể chế đôi, tức vừa là một tổ chức nghề nghiệp vừa là một cơ quan chức năng NN (liên kết Bộ Tư pháp và CNCC) được Pháp thành lập 25/11/2003.
- Hội đồng có chức năng giám sát hoạt động nghề nghiệp; giám sát việc tuân thủ đạo đức nghề nghiệp và tính độc lập của KTV; tổ chức các chương trình kiểm soát định kỳ về chất lượng hoạt động kiểm toán; xử lý kỷ luật KTV
- Hội đồng này giống như Tòa án của vùng
3. Ủy ban đạo đức nghề nghiệp về tính độc lập của KTV (CDI)
- CDI được thành lập 02/02/1999 qua thỏa ước giữa CNCC và Ủy ban chứng khoán Pháp (COB-Commission des operations de bourse) nên là cơ quan trực thuộc sự quản lý của 02 tổ chức này.
- CDI có trách nhiệm theo dõi việc thực hiện các quy định liên quan đến tính độc lập và khách quan của KTV cho các công ty niêm yết; phát hiện các tình huống nghi ngờ có thể đưa đến rủi ro về tính độc lập hay khách quan của KTV và các biện pháp bảo vệ.
4. Ủy ban kiểm tra quốc gia về hoạt động kiểm toán (CENA)
- Đây là ủy ban đặc biệt trực thuộc CNCC được thành lập từ năm 1985 để KSCL hoạt động kiểm toán của các công ty kiểm toán ở Pháp cũng như có trách nhiệm kiểm soát việc tuân thủ đạo đức nghề nghiệp của các KTV.
- Hoạt động của CENA thường thực hiện theo chương trình kết hợp với COB đối với các công ty niêm yết và sau đó sẽ thông báo cho CDI về các vấn đề cần phải xem xét.
* Công cụ kiểm soát đạo đức nghề nghiệp kiểm toán tại Pháp :
Công cụ kiểm soát đạo đức nghề nghiệp kiểm toán tại Pháp được thể hiện dưới hai dạng đó là chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và các đạo luật. Cụ thể :
+ Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của Pháp đã được CNCC ban hành từ năm 1988 và lần hiệu chỉnh gần đây nhất là ngày 27/04/2004. Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp này bao gồm 7 chương với 37 điều khoản đề cập đến các vấn đề sau :
+ Ngoài những quy định trong chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp còn có các đạo luật trong đó các quy định chủ yếu tập trung vào tính độc lập của KTV. Các đạo luật này ở Pháp bao gồm :
3. Kinh nghiệm cho Việt Nam về vấn đề kiểm soát đạo đức nghề nghiệp kiểm toán sau khi nghiên cứu mô hình của Mỹ và Pháp
- Kinh nghiệm cho Việt Nam trong vấn đề tổ chức cơ cấu và bộ máy giám sát việc tuân thủ đạo đức nghề nghiệp đó là phải tổ chức đồng bộ nhiều Ban, ủy ban khác nhau, có tính độc lập nhằm tăng cường công tác tự kiểm soát, kiểm soát chéo trong quá trình thực hiện công việcvà đặc biệt là vấn đề kiểm soát đạo đức của KTV.
- Kinh nghiệm cho Việt Nam trong vấn đề thiết kế công vụ để kiểm soát đạo đức nghề nghiệp của KTV đó là : Phải duy trì đồng thời hai công cụ kiểm soát đủ mạnh đối với vấn đề đạo đức nghề nghiệp là Luật song song cùng Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp. Bởi lẽ trong xu thế hội nhập và phát triển kiểm toán không chỉ là phương tiện để đảm bảo độ tin cậy của thông tin mà còn là công cụ giám sát thông tin của xã hội. Chuẩn mực đạo đức nhằm xây dựng hình ảnh lý tưởng của nghề nghiệp để nâng cao sự tín nhiệm của công chúng đối với nghề kiểm toán. Trong khi đó Luật là văn bản thế hiện sự can thiệp của Nhà nước nhằm tạo ra sự ổn định xã hội.
Đây cũng là xu thế chung của tất cả các nước trên thế giới khi chuyển từ mô hình tự kiểm soát sang mô hình có sự kiểm soát của Nhà nước.
4. Thực tiễn công tác Kiểm soát đạo đức nghề nghiệp của Việt nam trong những năm vừa qua và giải pháp, định hướng trong thời gian đến
* Thực tiễn về cơ cấu tổ chức ban hành các chuẩn mực và thực hiện kiểm soát chất lượng kiểm toán, đạo đức nghề nghiệp kiểm toán
Hiện nay ở Việt Nam việc kiểm soát đạo đức của KTV còn chưa được chú trọng triển khai một cách chặt chẽ và có sự kiểm soát chéo của nhiều đơn vị khác nhau như ở các nước Mỹ, Pháp mặc dù đã có những hướng dẫn và văn bản pháp lý ban hành liên quan đến việc tuân thủ đạo đức nghề nghiệp.
Cơ quan chịu trách nhiệm cao nhất đối với công tác kiểm soát đạo đức đó là Hiệp hội kế toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA), Hiệp hội kế toán việt Nam (VAA) sau khi có văn bản chuyển giao của Bộ tài chính đối với nội dung công việc quản lý hành nghề kế toán, kiểm toán (Quyết định 47.2005/QĐ-BTC ngày 14/07/2005).
Trong thiết kế cơ cấu tổ chức của VACPA hiện tại có Ban kiểm soát chất lượng kiểm toán. Tuy nhiên có thể thấy rằng Ban KSCL này trong những năm vừa qua chỉ chú trọng thực hiện việc kiểm soát chất lượng của cuộc kiểm toán qua kiểm soát hồ sơ và kiểm soát kỹ thuật; trong khi đó việc kiểm soát đạo đức nghề nghiệp chưa có cơ chế và thủ tục, thời gian kiểm soát rõ ràng.
Hầu như việc thực hiện công tác kiểm soát này được giao cho các công ty kiểm toán độc lập thực hiện việc nội kiểm qua việc ban hành các chính sách và quy định trong quá trình hành nghề do chính các công ty thực hiện dựa trên nền tảng quy định của Nghị định 105/2004/NĐ-CP và quyết định 87/2005/QĐ-BTC.
*Thực tiễn về công cụ kiểm soát đạo đức nghề nghiệp của Việt Nam
Ở Việt Nam văn bản đầu tiên quy định về đạo đức nghề nghiệp của kiểm toán viên phải kể đến đó là quy chế kiểm toán độc lập năm 1994 (điều 14). Đến năm 1999 vấn đề về đạo đức nghề nghiệp được quy định cụ thể hơn trong Chuẩn mực kiểm toán số 200 (VSA 200). Tiếp theo sau đó các văn bản khác như VSA 320, Nghị định 105/2004/NĐ-CP ngày 30/03/2004 của Chính phủ… cũng có đề cập đến công tác kiểm soát đạo đức nghề nghiệp.
Tuy nhiên vấn đề này chỉ được quy định đầy đủ và toàn diện nhất khi Bộ tài chính ban hành và công bố Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán theo quyết định số 87/2005/QĐ-BTC ngày 01/12/2005. Văn bản này được biên soạn trên cơ sở của Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp do Liên đoàn quốc tế ban hành năm 2001 với 2 phần chính đó là : phần quy định chung và phần nội dung chuẩn mực. Trong phần nội dung của chuẩn mực thì thiết kế gồm có 3 nội dung chính đó là :
+ Phần A (từ đoạn 45 đến đoạn 76) : Áp dụng cho tất cả người làm kế toán và kiểm toán
+ Phần B (từ đoạn 77 đến đoạn 292) : Áp dụng cho KTV hành nghề, nhóm kiểm toán và công ty kiểm toán
+ Phần C (từ đoạn 293 đến đoạn 333) : Áp dụng cho người có chứng chỉ KTV hoặc chứng chỉ hành nghề kế toán đang làm việc trong các DN, tổ chức.
Thời gian vừa qua, những văn bản này chính là cơ sở pháp lý và là công cụ kiểm soát đạo đức nghề nghiệp kiểm toán độc lập ở nước ta.
Nhận thức được việc kiểm soát phải chuyển từ mô hình tự kiểm soát sang mô hình có sự kiểm soát chặt chẽ hơn nữa của Nhà nước, Chính phủ và các hiệp hội thời gian gần đây đã có ban hành dự thảo về Luật kiểm toán độc lập. Tại điều 12-chương 1 của dự thảo này có quy định rõ ràng và cụ thể hơn các điều cấm và không được thực hiện đối với các KTV trong quá trình thực hiện công việc tương tự như đối với đạo luật Sarbanes-Oxley ở Mỹ và luật Công ty ở Pháp.
Thêm vào đó Chính phủ cũng vừa ban hành nghị định 85/2010/NĐ-CP ngày 02/08/2010 về xử lý hành chính đối với các vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán có nói đến xử phạt hành chính đối với hoạt động của tổ chức kiểm toán, KTV với mức từ 30-100 triệu tùy theo từng hành vi sai phạm.
Qua nghiên cứu quá trình ban hành các công cụ phục vụ công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán nói chung và kiểm soát đạo đức nghề nghiệp nói riêng cho thấy ngành kiểm toán độc lập nước ta đang ra sức kế thừa kinh nghiệm và kết quả của các nước tiên tiến đi trước để hoàn thiện hơn công tác kiểm soát và chất lượng hoạt động của ngành, đáp ứng niềm tin của công chúng trong bối cảnh hội nhập.
5. Các giải pháp cần phải thực hiện để nâng cao hiệu quả công tác kiểm soát đạo đức nghề nghiệp kiểm toán độc lập của Việt Nam trong xu thế hội nhập phát triển
Theo quan điểm của tác giả để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác kiểm soát đạo đức nghề nghiệp kiểm toán Việt Nam trong tương lai cần thực hiện đồng bộ, cùng lúc nhiều giải pháp như sau :
Ø Lấy ý kiến rộng rãi đối với công chúng, các cơ quan ban ngành, các nhà khoa học đối với dự thảo Luật kiểm toán độc lập. Trong đó nhấn mạnh những điều quy định liên quan đến việc nghiêm cấm thực hiện đối với các KTV, công ty kiểm toán trong quá trình hành nghề. Sau khi hoàn chỉnh cần nhanh chóng trình Quốc hội xem xét thông qua để văn bản Luật được thực sự đi vào thực tế phát huy hiệu quả của mô hình có sự kiểm soát của Nhà nước đối với kiểm soát chất lượng kiểm toán nói chung và kiểm soát đạo đức nghề nghiệp nói riêng.
Ø Tổ chức thành lập một cơ quan (ban/ủy ban) chịu trách nhiệm kiểm soát về vấn đề tuân thủ đạo đức của những người hành nghề kế toán và kiểm toán. Cơ cấu của cơ quan này nên theo hướng mở bao gồm những nhà khoa học có chuyên môn, đại diện của Bộ tài chính và tốt nhất cơ quan này nên độc lập với Ban KSCL của VACPA, VAA hiện tại.
Ø Nghiên cứu ban hành công văn hướng dẫn và thực hiện việc thí điểm cho phép các công ty kiểm toán được quyền đăng ký lựa chọn công ty kiểm toán khác thực hiện việc kiểm soát chéo công ty của mình trong một khoảng thời gian nhất định (ví dụ như 1-2 năm).
Ø Nội dung của quyết định 87/2005/QĐ-BTC về Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp hiện nay của nước ta cần phải hiệu chỉnh và sửa đổi bởi văn bản vẫn bộc lộ nhiều nhược điểm. Lý do đó là nội dung của văn bản này được soạn thảo dựa trên chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp quốc tế năm 2001 trong khi đó IFAC đã hiệu đính chuẩn mực này từ năm 2005 và có rất nhiều thay đổi so với chuẩn mực đã ban hành trước đó.
Ø Nên nghiên cứu ban hành các hướng dẫn chi tiết dưới dạng các thông tư tương tự đối với lĩnh vực kế toán. Vì hiện tại ngay đến cả những nước phát triển như Mỹ và Pháp, mặc dù ngành kiểm toán đã phát triển hàng trăm năm nhưng họ vẫn đưa ra các hướng dẫn chi tiết và cụ thể đối với việc tuân thủ chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp. Điều này sẽ làm cho việc áp dụng nội dung các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp vào thực tế được dễ dàng hơn và góp phần làm cho công chúng có thể thực hiện việc kiểm soát đối với hoạt động của ngành kiểm toán.
----------------------------------------------------
Tài liệu tham khảo
1. ThS Phan Thanh Hải – KSCL kiểm toán Nhà nước khu vực III, Luận văn ThS năm 2009
2. TS Trần Thị Giang Tân – Đạo đức nghề nghiệp của KTV độc lập, NXB tài chính, 2009
3. TS Trần Thị Giang Tân – KSCL từ bên ngoài đối với hoạt động kiểm toán độc lập, NXB tài chính, 2009
4. BM Kiểm toán-ĐH Kinh tế TPHCM, Giáo trình kiểm toán, 2009
5. www.vaa.vn
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: