XU HƯỚNG PHÁT TRIỂN VÀ THỊ TRƯỜNG MỤC TIÊU CỦA NGÀNH NGÂN HÀNG TRONG NĂM 2013
ThS Mai Thị Quỳnh Như
Trong suốt năm 2012 và cả trước đó là 2011, thị trường tài chính Việt Nam có những chuyển biến theo chiều hướng đi xuống, nguyên nhân một phần do nền kinh tế trong những năm qua gặp khủng hoảng trầm trọng. Nền kinh tế bong bóng mà tiêu biểu cho nó là thị trường bất động sản, sau thời kỳ hoàng kim của những năm 2008 – 2009, đẩy giá đất lên rất cao dẫn đến cơn sốt đất trên diện rộng. Cho đển nay thì cơn sốt đó đã hạ nhiệt, thị trường bất động sản đã chững lại, kéo theo với nó là giá đất rớt thê thảm. Một lượng vốn khổng lồ hiện đang nằm trong bất động sản chưa có hướng thu hồi được (trong đó vốn vay ngân hàng chiếm môt phần không nhỏ), tương ứng với nó là tỷ lệ nợ xấu ngân hàng tăng vọt và cao nhất trong khu vực, chiếm 8.82% tổng dư nợ (tính đến cuối năm 2012). Năm 2013 đặt ra cho ngành ngân hàng một bài toán khó giải đó là giảm thiểu tỷ lệ nợ xấu đến mức thấp nhất có thể và tìm ra hướng đi đúng đắn, an toàn trong kinh doanh để hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm 2013.
Bài viết trọng tâm đi vào phân tích các nội dung cơ bản như sau:
- Thứ nhất, kéo giảm tỷ lệ nợ xấu ngành xuống mức thấp nhất có thể
- Thứ hai, Tìm kiếm thị trường mục tiêu kinh doanh để hoàn thành kế hoạch lợi nhuận
1. Kéo giảm tỷ lệ nợ xấu ngành xuống mức thấp nhất có thể
Phần lớn các chuyên gia kinh tế đầu ngành ngân hàng đều có chung nhận xét, điểm sáng của ngành ngân hàng trong năm 2013 phụ thuộc khá nhiều vào kết quả dọn dẹp nợ xấu của ngân hàng. Đây là một vấn đề thách thức với phần lớn các ngân hàng, vì mặc dù đã rất cố gắng trong những năm gần đây, tỷ lệ nợ xấu cũng đang có xu hưởng giảm tương đối nhiều, nhưng khối nợ xấu chưa có nguồn xử lý theo thống kê vẫn lên đến gần 90.000 tỷ đồng, do đó việc đưa vốn ra nền kinh tế đòi hỏi sự nỗ lực rất cao từ phía các ngân hàng.
Trong suốt thời gian qua, các ngân hàng Việt Nam đã chứng kiến nhiệu cuộc sáp nhập ngân hàng, và kế hoạch sáp nhập của các ngân hàng lớn. Đây cũng là một biện pháp nâng cao khả năng cạnh tranh, sức khỏe của một ngân hàng đồng thời kéo giảm tỷ lệ nợ xấu xuống từ đó hình thành nên những định chế tài chính có sức cạnh tranh hơn trong khu vực. Các cuộc sáp nhập Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Tín Nghĩa (TinNghiaBank) và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đệ Nhất (Ficombank); Thương vụ Ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội (Habubank) sáp nhập vào Ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội (SHB); Thương vụ Ngân hàng Eximbank đại diện cho nhóm cổ đông lớn mua thâu tóm Sacombank; và thương vụ Mizuho Corporate Bank mua 15% cổ phần của Vietcombank với giá 567 triệu USD và Tokyo-Mitsubishi UFJ mua 20% cổ phần của Vietinbank với giá 743 triệu USD cũng không nằm ngoài các mục tiêu nói trên.
Không chỉ tập trung ở các ngân hàng nhỏ trong quá trình sáp nhập, các ngân hàng lớn cũng có kế hoạch hợp nhất để cải thiện hệ thống, các chỉ số tài chính, nhất là kéo giảm được tỷ lệ nợ xấu xuống mức thấp, mở rộng quy mô để tăng tính cạnh tranh với các ngân hàng trong nước và trong khu vực.
Đồng thời cùng với việc chương trình củng cố và lành mạnh hóa thanh khoản được thực hiện xuyên suốt theo lộ trình của Chính phủ từ năm 2011 đến nay, cộng với quyết tâm, cũng như mục tiêu chính của ngành ngân hàng trong năm 2013 là kéo giảm tỷ lệ nợ xấu xuống đến mức thấp nhất có thể thì việc đưa tỷ lệ nợ xấu từ 6% xuống còn 4% ngay trong năm 2013 là hoàn toàn nằm trong khả năng có thể thực hiện được.
2. Tìm kiếm thị trường mục tiêu kinh doanh để hoàn thành kế hoạch lợi nhuận
Song song với việc kéo giảm tỷ lệ nợ xấu, thì việc hoàn thành tốt kế hoạch lợi nhuận đặt ra trong năm 2013 cũng là một thách thức không nhỏ đối với ngành ngân hàng trong thời điểm nền kinh tế vẫn đang tiếp tục trì trệ. Việc cho vay như thế nào, đối tượng khách hàng bao gồm những ai, nếu không có được hệ khách hàng cụ thể thì rủi ro tín dụng là rất lớn, ảnh hưởng không nhỏ đến vấn đề kéo giảm tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng. Do đó, trong năm 2013, hầu hết các ngân hàng đều tập trung vào các mục tiêu kinh doanh cụ thể như sau:
- Bán lẻ, tập trung vào hệ khách hàng phân phối hàng tiêu dùng: Trong thời điểm nền kinh tế trải qua các năm biến động theo chiều hướng xấu từ cuối 2010 đến đầu 2013 hiện nay, các doanh nghiệp còn trụ được trên thị trường và làm ăn tương đối có lãi hầu hết đều là các doanh nghiệp phân phối các sản phẩm hàng tiêu dùng thiết yếu cần thiết cho nhu cầu sống tối thiểu của cong người. Đặt biệt là các doanh nghiệp này chịu áp lực về mặt doanh số đối với các nhà cung cấp nên dòng tiền trong việc bán hàng, thu tiền đều chảy rất nhanh, mạnh và đều đúng mục đích.
Chính vì vậy, đây chính là hệ khách hàng mà các ngân hàng hướng đến để chào mời các sản phẩm về tín dụng. Khi cung cấp sản phẩm tín dụng cho hệ khách hàng này hầu hết các ngân hàng đều giải ngân chuyển khoản cho nhà cung cấp và đều đúng mục đích thanh toán tiền hàng, dòng tiền thu bán hàng cũng về lại tài khoản ngân hàng cho vay nên rất thuận tiện trong việc theo dõi thu hồi nợ.
Tuy nhiên, hệ các doanh nghiệp phân phối hàng tiêu dùng này tại mỗi địa bàn khá là hạn chế vì tiêu chuẩn để làm đại lý cấp 1 cho một số nhãn hàng tương đối là khó khăn. Ngược lại, hệ thống chi nhánh các ngân hàng phân bổ trên mỗi địa bàn lại khá dày. Điều này làm cho tính cạnh tranh giữa các ngân hàng ngày càng khốc liệt. Do đó, các chính sách tín dụng mà mỗi ngân hàng áp dụng cho hệ khách hàng bao gồm rất nhiều ưu đãi, từ lãi suất tiền vay đến miễn thu các phí dịch vụ và được chăm sóc như các khách hàng VIP lâu năm của ngân hàng.
- Tăng thu dịch vụ: Năm 2013, theo chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ ở Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng, các ngân hàng phải tập trung bơm vốn ra nền kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp, và các người dân có nhu cầu vay vốn tiếp cận được vốn tín dụng để tăng trưởng. Đây cũng là mục tiêu mà ngành ngân hàng đặt ra trong năm 2013. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình khẳng định, năm 2013, Ngân hàng nhà nước sẽ kiểm soát tăng trưởng tín dụng theo định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm 2013 khoảng 12%, nhưng linh hoạt điều chỉnh theo diễn biến và tình hình thực tế. Đồng thời, sẽ không kiểm soát tỷ trọng cho vay đối với lĩnh vực không khuyến khích, tiếp tục cho phép các tổ chức tín dụng tự quyết định cho vay ngắn hạn bằng ngoại tệ. Tiếp tục thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường, chuyển đổi cơ cấu tín dụng theo hướng tập trung vốn cho sản xuất hàng xuất khẩu, nông nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời tăng nguồn thu từ phát triển dịch vụ ngân hàng.
Tại thời điểm này, việc gia tăng nguồn thu từ dịch vụ để bù đắp lợi nhuận từ tín dụng đang sụt giảm là điều mà ngân hàng nào cũng nhận thấy và muốn làm. Từng ngân hàng cũng đang cố gắng gia tăng tính ưu việt cho sản phẩm, thị phần cho mình. Các chuyên gia ài chính ngân hàng cũng nhận định rằng các ngân hàng có thể cân nhắc đẩy mạnh hoạt động cung cấp dịch vụ cho các đối tượng khách hàng, bao gồm cả doanh nghiệp và dân chúng, chẳng hạn như hoạt động chuyển tiền, tài trợ xuất nhập khẩu, bảo lãnh, tư vấn…tất cả những dịch vụ đó nếu phát triển tốt sẽ giúp bù lại được cho lợi nhuận sụt giảm của lĩnh vực tín dụng. Chính vì vậy, đẩy mạnh hoạt động dịch vụ cũng là một trong những mục tiêu ưu tiên của ngành ngân hàng trong năm 2013.
Hiện nay các ngân hàng thương mại đang đẩy mạnh phát triển dịch vụ ngân hàng trực tuyến với nhiều tiện ích vượt trội. Với dịch vụ này, khách hàng tiết kiệm được thời gian, chi phí, với nhiều tiện ích đảm bảo an toàn, bảo mật. Ngân hàng phát triển dịch vụ này có thể thu hút thêm khách hàng, góp phần tăng doanh thu. Trong quý 3/2012, theo nghiên cứu của IDG- BIU (Business Intelligence Unit), số lượng người sử dụng dịch vụ Internet Banking tăng 35% so với năm 2010, 40 ngân hàng cho rằng họ có các dịch vụ Internet Banking và số lượng các ngân hàng tuyên bố cung cấp dịch vụ Mobile Banking cũng tăng lên đến 18 ngân hàng. Dự kiến, năm 2013, xu hướng dịch vụ ngân hàng trực tuyến sẽ phát triển mạnh về Internet Banking, Home Banking và Mobile Banking. Xu hướng ngân hàng liên kết với các công ty viễn thông, trung tâm mua sắm, siêu thị, các nhà phân phối hàng tiêu dùng cũng ngày càng nở rộ. Có thể thấy, ưu tiên phát triển dịch vụ ngân hàng là một hướng đi đúng đắn của các ngân hàng thương mại.
- Chăm sóc tốt hệ khách hàng hiện hữu: Như đã nói đến ở trên, hệ các doanh nghiệp phân phối hàng tiêu dùng hay là các hệ khách hàng khác tốt và uy tín tại mỗi địa bàn khá là hạn chế trong khi hệ thống chi nhánh các ngân hàng phân bổ trên mỗi địa bàn lại khá dày. Điều này cũng làm cho vấn đề làm sao giữ được hệ khách hàng hiện hữu đã quan hệ với ngân hàng của mình trước sự chào mời của các ngân hàng bạn cũng là một bài toán tương đối khó đối với các ngân hàng.
Bên cạnh việc tung ra các gói sản phẩm tín dụng ưu đãi, phí dịch vụ cạnh tranh cho các khách hàng mục tiêu. Các ngân hàng cũng đang hết sức quan tâm đến các sản phẩm dịch vụ mà các khách hàng hiện hữu đang sử dụng, lắng nghe các nhu cầu của họ, từ đó đưa ra được các sản phẩm dịch vụ tối ưu để chăm sóc tốt hệ khách hàng hiện hữu. Đây cũng là cách phòng chống tốt nhất để không bị mất đi hệ khách hàng đã gầy dựng của các ngân hàng và đây cũng là một trong những mục tiêu sống còn phải thực hiện của các ngân hàng nếu muốn hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm 2013.
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: