HOÀN THIỆN CÔNG TÁC KIỂM SOÁT CHẤT LƯỢNG KIỂM TOÁN CỦA HIỆP HỘI KIỂM TOÁN VIÊN HÀNH NGHỀ Ở VIỆT NAM TRONG BỐI CẢNH HỘI NHẬP
(Tạp chí kiểm toán-Tháng 11/2010)
NCS.ThS. Phan Thanh Hải
Phó Trưởng khoa Kế toán
Đại học Duy Tân
182Nguyễn Văn Linh– TP Đà Nẵng
Kiểm soát chất lượng kiểm toán (KSCLKT) có vai trò quan trọng đối với việc bảo đảm chất lượng, hiệu quả của hoạt động kiểm toán nói chung và kiểm toán độc lập (KTĐL) nói riêng. Bởi vậy, cơ quan quản lý kiểm toán độc lập của các quốc gia trên thế giới đều coi KSCLKT là hoạt động có tính bắt buộc cần phải được coi trọng.
Ở Việt Nam, kể từ khi thành lập cho đến nay đã qua 05 năm, Hiệp hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) ngày càng khẳng định được vai trò hết sức quan trọng của mình trong công tác quản lý, điều hành hoạt động của ngành KTĐL trong đó mảng công tác về KSCLKT đã có nhiều chuyển biến đáng kể và đạt được nhiều thành tựu, ý nghĩa thiết thực.
Tuy nhiên trong bối cảnh hội nhập hiện nay, sự phát triển mạnh mẽ của ngành KTĐL ngày càng đặt ra cho Hiệp hội nhiều áp lực để hoàn thiện các chính sách, chiến lược phát triển một cách tương xứng.
Nội dung của bài viết này tập trung vào một vấn đề quan trọng trong công tác quản lý các công ty KTĐL của VACPA đó chính là quản lý và hoàn thiện hơn nữa công tác KSCLKT. Bài viết bao gồm các phần sau :
(1) Một vài thực trạng về công tác KSCLKT độc lập của Hiệp hội KTV hành nghề ở Việt Nam (VACPA) hiện nay
(2) Các giải pháp nhằm hoàn thiện công tác KSCLKT của VACPA trong xu thế hội nhập phát triển
(1). Một vài thực trạng về công tác KSCLKT độc lập của VACPA hiện nay
Hiện nay đối với ngành KTĐL ở nước ta có 02 cấp độ thực hiện việc KSCLKT của các công ty KTĐL đó là Bộ tài chính thông qua vai trò của Hiệp hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) và vai trò tự kiểm soát của chính các công ty KTĐL được cấp giấy phép hoạt động hành nghề.
Đối với cấp độ hiệp hội thì thực trạng KSCLKT được tóm lược qua những nét chính như sau :
+ Cơ sở pháp lý để VACPA thực hiện KSCLKT các công ty KTĐL :
Quyết định số 47/2005/QĐ-BTC ngày 14/7/2005 về việc chuyển giao cho Hội nghề nghiệp thực hiện một số nội dung công việc quản lý hành nghề kế toán, kiểm toán;Quyết định số 32/QĐ-BTC ngày 15/05/2007 của Bộ Tài chính ban hành Qui chế kiểm soát chất lượng dịch vụ kế toán, kiểm toán.Đây là hai văn bản chủ đạo bên cạnh hệ thống các văn bản có tính quy định và hướng dẫn đối với hoạt động của KTĐL nói chung và của hoạt động KSCLKT nói riêng.
+ Hình thức VACPA thực hiện việc KSCLKT các công ty KTĐL :
Hiện nay Hiệp hội thực hiện việc KSCLKT của các công ty kiểm toán độc lập theo 02 phương diện : “kiểm soát nóng” khi có dấu hiệu sai phạm và thông tin từ dư luận ; “kiểm soát nguội” theo kế hoạch kiểm tra, kiểm soát định kỳ hàng năm.
+ Bộ phận thực hiện việc KSCLKT các công ty KTĐL :
Trong những năm qua, việc KCSLKT được thực hiện thông qua vai trò của các Đoàn kiểm tra được thành lập theo quyết định của Hiệp hội trong đó chủ yếu thành phần của đoàn gồm có đại diện VACPA, đại diện Vụ Chế độ kế toán và Kiểm toán - Bộ Tài chính, và một số hội viên của VACPA. Phần lớn nội dung kiểm tra sẽ do cán bộ của VACPA và Vụ CĐKT và kiểm toán, Bộ Tài chính thực hiện còn các hội viên VACPA chủ yếu kiểm tra về nghiệp vụ và kỹ thuật kiểm toán.
+ Nội dung cụ thể của công tác KSCLKT của VACPA :
Công tác kiểm tra của Hiệp hội VACPA trong thời gian vừa qua chủ yếu tập trung vào kiểm tra sự tuân thủ các qui định pháp luật về kiểm toán độc lập và các chuẩn mực nghề nghiệp, cụ thể đó là kiểm tra:
ü Tình hình thực hiện các qui định pháp luật về kiểm toán độc lập;
ü Tình hình đăng ký hành nghề và thực tế hành nghề của các KTV đã đăng ký hành nghề;
ü Tình hình thực hiện chuẩn mực đạo đức;
ü Tình hình thực hiện các chuẩn mực kiểm toán;
ü Tình hình ký kết hợp đồng dịch vụ, giá phí kiểm toán. Theo đó, đánh giá tình hình đảm bảo thực hiện việc không cung cấp dịch vụ có mâu thuẫn lợi ích, tình hình đảm bảo luân chuyển nhân sự kiểm toán theo qui định của Nghị định 105/2004/NĐ-CP.
ü Tình hình tuyển dụng, đào tạo và quản lý nhân viên nghiệp vụ;
ü Qui trình lập, soát xét và nội dung hồ sơ và lưu trữ hồ sơ kiểm toán, tính bảo mật (bao gồm cả việc phát hành các báo cáo kiểm toán);
ü Lắng nghe và trao đổi với các công ty ý kiến tham gia về các qui định pháp luật hiện hành trong quá trình hành nghề kiểm toán để tổng hợp và đề xuất với VACPA và Bộ Tài chính.
+ Phạm vi thực hiện KSCLKT của các công ty KTĐL :
Chủ yếu tập trung vào việc kiểm tra các hồ sơ kiểm toán và hồ sơ dịch vụ do các công ty KTĐL đã thực hiện trong thời gian qua.
Trên đây là một số những tóm lược cơ bản về công tác KSCLKT được thực hiện thông qua vai trò của Hiệp hội VACPA trong thời gian vừa qua. Trên cơ sở nghiên cứu những vấn đề trên tác giả bài viết xin mạnh dạn rút ra một số các đánh giá về những ưu điểm và hạn chế trong công tác KSCL như sau :
Ưu điểm :
Bước đầu thông qua công tác kiểm tra, kiểm soát theo kế hoạch hàng năm, Hiệp hội đã có những phát hiện và kịp thời chấn chỉnh các sai phạm trong hoạt động, quản lý điều hành của các công ty KTĐL như các tình trạng đó là :
+ Có KTVlàm đơn đăng ký hành nghề kiểm toán toàn thời gian nhưng thực tế chỉ hành nghề bán thời gian (tức là vừa ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) làm việc ở công ty kiểm toán vừa ký HĐLĐ làm việc ở một doanh nghiệp hoặc tổ chức khác);
+ Có KTVlàm đơn đăng ký hành nghề kiểm toán toàn thời gian nhưng thực tế không hành nghề (tức là HĐLĐ làm việc ở công ty kiểm toán nhưng không làm việc cho công ty kiểm toán mà đã ký HĐLĐ và chỉ làm việc ở một doanh nghiệp hoặc tổ chức khác);
+ Có KTVlàm đơn đăng ký hành nghề kiểm toán bán thời gian nhưng thực tế không hành nghề (chỉ làm việc ở doanh nghiệp hoặc tổ chức khác);
+ Một số giám đốc công ty kiểm toán đã có sai phạm trong quản lý và sử dụng KTV(tức là đã chấp nhận đăng ký hành nghề cho các KTV thực tế không hành nghề hoặc chỉ hành nghề bán thời gian).
+ ..v..v..
Nhược điểm :
- Đối tượng và phạm vi thực hiện công tác KSCLKT các công ty KTĐL còn bị giới hạn.
Cụ thể đó là nội dung công tác kiểm tra, kiểm soát mới chỉ chủ yếu tập trung vào việc kiểm toán tuân thủ các quy định liên quan đến hành nghề kiểm toán, quy trình tuyển dụng và đào tạo các nhân viên nghiệp vụ chứ chưa đi sâu vào thực hiện việc kiểm tra công tác thu thập các bằng chứng kiểm toán của KTV, công tác lập, soát xét, lưu trữ các hồ sơ kiểm toán.
- Thời gian thực hiện công tác KSCLKT thường ngắn
Trung bình việc thực hiện kiểm soát làtừ 1-2 ngày/công ty KTĐL. Khoảng thời gian này là không đủ để có thể phát hiện ra những hạn chế, sai phạm trong quá trình thực hiện công tác kinh doanh của các công ty KTĐL một cách cụ thể, rõ ràng.
- Tính đột xuất và “bất ngờ” khi thực hiện công tác KSCLKT là hầu như không có.
Ngoại trừ những cuộc “kiểm soát nóng” được tiến hành khi có thông tin từ dư luận phản ánh, thì việc kiểm tra của Hiệp hội thường mang tính chất định kỳ tuân theo kế hoạch KSCLKT hàng năm. Khi tiến hành đến kiểm tra Hiệp hội cũng như các cơ quan chức năng khác đều phát hành các văn bản thông tin gửi trước để yêu cầu sự hợp tác và chuẩn bị từ phía các công ty KTĐL. Chính việc làm này đã khiến cho tính “bất ngờ” – một yếu tố khá quan trọng đối với công tác kiểm tra, giám sát chất lượng hầu như không có.
- Công tác kiểm tra việc thực hiện các kiến nghị, kết luận KSCLKT của Hiệp hội đối với các công ty KTĐL sau một thời gian thực hiện việc KSCLKT còn chưa thường xuyên.
Được biết, từ năm 2006, VACPA đã phối hợp với Bộ Tài chính tổ chức nhiều cuộc kiểm soát chất lượng hàng năm cũng như kiểm tra bất thường. Theo quy định tại Quyết định số 32/2007/QĐ-BTC ngày 15/5/2007 của Bộ Tài chính thì hàng năm phải kiểm tra 1/3 số công ty kiểm toán đang hoạt động; Các công ty đã hoạt động từ 3 năm trở lên cũng cần được kiểm tra. Việc kiểm tra không chỉ nhằm phát hiện ra các sai sót giúp công ty chấm dứt, mà còn tư vấn cho công ty cách thức hành nghề sao cho hiệu quả hơn; đồng thời xử lý kỉ luật nếu sai phạm nặng hoặc lặp lại…Sau khi thực hiện việc kiểm tra, biên bản kết quả kiểm tra của từng công ty KTĐL đã được lập và giao cho từng công ty xử lý. Bộ phận thư ký của Hội tiến hành tổng hợp kết quả kiểm tra hàng năm và phổ biến cho tất cả các công ty biết để rút ra kinh nghiệm chung.
Tuy nhiên trên thực tế thì tình trạng nhiều công ty KTĐL vẫn chưa thực sự nghiêm túc trong việc sửa chữa những hạn chế mà Hiệp hội phát hiện qua các cuộc KSCLKT tại đơn vị là còn nhiều.
Nguyên nhân chính là xuất phát từ quan điểm chủ quan của các công ty KTĐL tuy nhiên trong đó cũng có nguyên nhân khách quan là khâu hậu kiểm (kiểm tra việc thực hiện các kiến nghị, kết luận của công tác KSCLKT) của Hiệp hội do giới hạn về nguồn lực thực hiện; thời gian thực hiện; kế hoạch thực hiện…còn chưa được quan tâm và chú trọng đúng mức.
Trên cơ sở đưa ra một số các phân tích về thực trạng cũng như chỉ ra những ưu và nhược điểm trong công tác KCSLKT của Hiệp hội hiện nay, tác giả bài viết xin mạnh dạn đưa ra một vài giải pháp hoàn thiện như sau :
(2) Các giải pháp nhằm hoàn thiện công tác KSCLKT của Hiệp hội nghề nghiệp trong xu thế hội nhập phát triển
Thứ nhất, hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động KSCLKT của VACPA
Cho đến thời điểm hiện tại, cơ sở pháp lý quan trọng để thực hiện công tác KSCLKT đó là Quy chế KSCL dịch vụ kế toán, kiểm toán ban hành theo quyết định số 32/2007/QĐ-BTC ngày 15/05/2007; Quyết định số 47/2005/QĐ-BTC ngày 14/7/2005 về việc chuyển giao cho Hội nghề nghiệp thực hiện một số nội dung công việc quản lý hành nghề kế toán, kiểm toánvà Chuẩn mực kiểm toán số 220 vê KSCLKT ban hành theo quyết định số 28/2003/QĐ-BTC ngày 14/03/2003.
Đối với quyết định số 32/2007/QĐ-BTC thì văn bản này đã quy định khá chi tiết về các nội dung liên quan đến KSCLKT, nhưng về cơ bản có thể khái quát với hai mảng phạm vi chính để thực hiện KSCL đó là trong các công ty kiểm toán và trong các công ty kế toán, người hành nghề kế toán.
Cùng một văn bản nhưng Bộ tài chính lại chuyển giao quyền KSCL đối với dịch vụ trong công ty kiểm toán cho VACPA còn quyền KSCL đối với dịch vụ trong công ty kế toán và người hành nghề cho VAA.
Trên thực tế theo ý kiến của cá nhân tác giả nên hoàn thiện lại văn bản này theo cách là tách riêng các nội dung của quy chế KCSL liên quan làm hai phần chính; phần 1 liên quan đến đến mảng quản lý của VACPA riêng và phần 2 liên quan đến mảng quản lý của VAA riêng.
Đồng thời soát xét lại và trình bày cụ thể hơn, bổ sung kỹ lưỡng hơn các quy định, quy trình hướng dẫn công tác kiểm tra hệ thống, kiểm tra chi tiết theo hướng hài hòa với chuẩn mực VSA 220 đã có và Luật kiểm toán độc lập sắp sửa ra đời trong tương lai không xa.
Thứ hai, VACPA cần sớm ban hành khung chương trình kiểm toán mẫu áp dụng chung đối với tất cả các công ty kiểm toán độc lập đang hành nghề.
Muốn thực thi được giải pháp này theo ý kiến tác giả cần thực hiện theo hai bước :
+ Bước 1 : VACPA phải xây dựng cho được các bộ tiêu chí, tiêu chuẩn để tiến hành chấm điểm và phân loại được nhóm các công ty kiểm toán.
Các tiêu chí và tiêu chuẩn này VACPA hoàn toàn có thể thực hiện được dựa trên các tiêu chí đánh giá, xếp hạng doanh nghiệp kiểm toán; dựa trên các chỉ số thống kê mà VACPA quản lý.
Ví dụ như phân loại theo quy mô hoạt động của công ty KTĐL :
TT |
Tiêu chí đánh giá quy mô DN |
Giá trị đánh giá |
Điểm số |
1 |
Vốn kinh doanh |
Dưới 10 tỷ đồng |
10 |
Từ 10 tỷ đến dưới 20 tỷ |
15 |
||
Từ 20 tỷ đến dưới 30 tỷ |
20 |
||
Từ 30 tỷ đến dưới 40 tỷ |
25 |
||
Từ 40 tỷ trở lên |
30 |
||
2 |
Tổng số nhân viên làm việc |
Từ 10 đến dưới 50 người |
2 |
Từ 50 đến dưới 100 người |
6 |
||
Từ 100 người trở lên |
10 |
||
3 |
Tổng số KTV trong DN |
Dưới 10 người |
2 |
Từ 10 đến dưới 30 người |
6 |
||
Từ 30 đến dưới 50 người |
8 |
||
Từ 50 người trở lên |
10 |
||
4 |
Tổng doanh thu thuần trong năm |
Dưới 5 tỷ đồng |
5 |
Từ 5 tỷ đến dưới 10 tỷ |
10 |
||
Từ 10 tỷ đến dưới 20 tỷ |
15 |
||
Từ 20 tỷ đến dưới 30 tỷ |
20 |
||
Từ 30 tỷ đến dưới 40 tỷ |
25 |
||
Từ 40 tỷ đến dưới 50 tỷ |
30 |
||
Trên 50 tỷ |
35 |
||
5 |
Tình hình nộp thuế cho NSNN |
Dưới 1 tỷ đồng |
1 |
Từ 1 tỷ đến 3 tỷ đồng |
5 |
||
Từ 3 tỷ đến 5 tỷ đồng |
10 |
||
Từ 5 tỷ đến 10 tỷ đồng |
15 |
||
|
Tổng số điểm |
|
100 |
Căn cứ vào thang điểm trên, các công ty kiểm toán độc lập được xếp loại thành : quy mô lớn, quy mô vừa và quy mô nhỏ.
Điểm số đánh giá |
Quy mô |
Dưới 30 điểm |
Nhỏ |
Từ 30-69 điểm |
Vừa |
Từ 70-100 điểm |
Lớn |
tham khảo (*)
Bên cạnh tiêu chí này thì VACPA hoàn toàn có thể phân nhóm các công ty KTĐL theo hình thức sở hữu cũng như các tiêu chí phù hợp khác.
+Bước 2 : VACPA phối hợp với các công ty kiểm toán có uy tín, các chuyên gia của các Hiệp hội nghề nghiệp ở nước ngoài nghiên cứu biên soạn khung chương trình kiểm toán mẫu , sau đó lấy ý kiến dự thảo và ban hành đối với từng nhóm công ty KTĐL.
Việc ban hành được khung chương trình kiểm toán mẫu có ý nghĩa rất to lớn đối với công tác KSCLKT của Hiệp hội, bởi lẽ sẽ giúp cho VACPA khắc phục được hạn chế trong hiện tại là công tác KSCLKT trong những năm qua chỉ hướng đến việc kiểm tra, kiểm soát hệ thống một cách chung chung chứ chưa thực sự đi sâu vào công tác kiểm tra, kiểm soát kỹ thuật tập trung vào hồ sơ và bằng chứng kiểm toán.
Chính chương trình mẫu sẽ tạo tiền đề cho công tác tự KSCLKT của các công ty KTĐL được tiến hành một cách thường xuyên hơn; giúp cho công tác KSCLKT của Hiệp hội được tiến hành dễ dàng hơn; qua đó đáp ứng được sự kỳ vọng trong công tác giám sát và kiểm tra chất lượng dịch vụ của Bộ tài chính, của cả xã hội trong bối cảnh các công ty kiểm toán độc lập ngày càng xuất hiện nhiều và nguồn lực cho hoạt động của Hiệp hội là có giới hạn.
Thứ ba, VACPA cần xây dựng các tiêu chí đánh giá chất lượng cụ thể từng cuộc kiểm toán và các quy tắc ứng xử của KTV độc lập
Đối với chất lượng của dịch vụ kiểm toán nếu đi sâu vào kiểm tra kỹ thuật thì về cơ bản mấu chốt của vấn đề đó chính là KSCL của cuộc kiểm toán và KSCL đạo đức của kiểm toán viên. Chính vì vậy thiết nghĩ VACPA nên xây dựng và ban hành các tiêu chí đánh giá chất lượng cuộc kiểm toán một cách cụ thể cùng với các quy tắc ứng xử của KTV độc lập.
Ví dụ đối với tiêu chí chấm điểm một cuộc kiểm toán BCTC, VACPA có thể quy định như sau :
TT |
Nội dung chấm điểm cuộc kiểm toán |
Thang điểm |
1 |
Kế hoạch kiểm toán |
10 |
2 |
Chương trình kiểm toán |
15 |
3 |
Nhân sự kiểm toán |
10 |
4 |
Hồ sơ kiểm toán |
20 |
5 |
Thời gian kiểm toán |
10 |
6 |
Chi phí kiểm toán |
10 |
7 |
Báo cáo kiểm toán |
10 |
8 |
Giá phí kiểm toán |
5 |
9 |
Ý kiến tư vấn/Sai phạm phát hiện được |
10 |
|
Tổng điểm |
100 |
Tất nhiên VACPA cần phải đưa ra những quy định hướng dẫn cụ thể và chi tiết đối với việc chấm điểm từng tiêu chí đánh giá sau đó căn cứ vào thang điểm tổng quát trên để chia cuộc kiểm toán thành các mức :
Loại |
Tính chất |
Điểm số |
D |
Không đạt yêu cầu |
< 50 |
C |
Trung bình |
51-70 |
B |
Khá |
71-90 |
A |
Tốt |
91-100 |
Sau khi ban hành các tiêu chí đánh giá chất lượng cuộc kiểm toán thì VACPA cần tổ chức việc thực hiện đánh giá và bình chọn cuộc kiểm toán tiêu biểu hàng năm theo 2 cấp :
+Cấp cơ sở : Do chính các công ty KTĐL tự đánh giá và chấm điểm bình chọn sau đó gửi cho Hiệp hội
+Cấp Hiệp hội : Ban KSCL sẽ thực hiện việc đánh giá và chấm điểm bình chọn rồi tiến hành công bố và xét khen thưởng.
Đây đồng thời vừa là giải pháp để nâng cao công tác tự KSCLKT của chính các công ty KTĐL vừa là giải pháp để tạo ra khí thế thi đua, nâng cao vai trò và trách nhiệm nghề nghiệp trong ngành KTĐL.
Bên cạnh đó VACPA cũng cần sớm nghiên cứu và đưa ra các hướng dẫn cụ thể hơn về quy tắc ứng xử của KTV độc lập như ứng xử trong việc thực hiện nhiệm vụ kiểm toán, ứng xử trong mối quan hệ với khách hàng, ứng xử trong nội bộ công ty KTĐL, ứng xử với báo chí truyền thông…để góp phần cùng với Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp nâng cao hơn nữa vai trò kiểm soát và tự kiểm soát đối với đạo đức nghề nghiệp của những người thực hiện công tác kiểm toán.
Thứ tư, VACPA cần đẩy mạnh hơn nữa vai trò dẫn dắt, lãnh đạo của mình
VACPA đã ra đời được 5 năm (15/04/2005) và ngày càng thể hiện được vai trò quan trọng của mình trong việc phát triển ngành kiểm toán độc lập ở nước ta. Tuy đã đạt được nhiều thành công nhưng kỳ vọng của các cấp quản lý và của cả xã hội là VACPA phải thể hiện tốt hơn nữa vai trò đầu tàu, lãnh đạo của mình đối với hoạt động kiểm toán độc lập. Muốn như vậy theo tác giả VACPA cần chú ý đến những điểm sau :
Trên đây là một số sự phân tích về thực trạng của công tác KSCLKT được VACPA thực hiện trong 05 năm qua và một vài giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa vị thế và uy tín trong tất cả các hoạt động nói chung và hoạt động KSCLKT nói riêng của Hiệp hội nghề nghiệp.
Mong rằng với vai trò và vị trí quan trọng của mình, VACPA sẽ sớm có được những cải cách, những kế hoạch hành động, những đổi mới trong hoạt động của mình nhằm góp phần nâng cao hơn nữa uy tín của ngành Kiểm toán độc lập qua đó đáp ứng được sự kỳ vọng của cả xã hội trong bối cảnh hội nhập phát triển sâu rộng như hiện nay.
--------------------------------------
Tài liệu tham khảo
- Bộ tài chính, VSA 220 ban hành theo quyết định số 28/2003/QĐ-BTC ngày 14/03/2003
- Bộ tài chính, Quy chế KSCL dịch vụ kế toán, kiểm toán ban hành theo quyết định số 32/2007/QĐ-BTC ngày 15/05/2007.
- (*) Phan Thanh Hải, Đánh giá xếp hạng DN kiểm toán – Giải pháp cần phải thực hiện để nâng cao chất lượng và uy tín của ngành nghề kiểm toán (Tạp chí Kiểm toán tháng 08/2009)
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: